This is a free and fully standards compliant Blogger template created by Templates Block. You can use it for your personal and commercial projects without any restrictions. The only stipulation to the use of this free template is that the links appearing in the footer remain intact. Beyond that, simply enjoy and have fun with it!

24 May 2008

NHÀ HỒ (1400 -1407)

Hồ Quý Ly là bố vợ của vua Trần Thuận Tông. Ngày 15 tháng 12 năm Giáp Tuất - 1394, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông mất, Hồ Quý Ly lên làm phụ chính Thái sư, thâu tóm toàn bộ quyền bính để dễ đường cướp ngôi vua.
- Tháng 11 năm 1397 Hồ Quý Ly bức vua Thuận Tông phải dời kinh về Tây Đô.
- Tháng 3 năm 1398 ép Thuận Tông nhường ngôi cho con trai là Trần Án (tức Trần Thiếu Đế), mới 3 tuổi, để đi tu ở cung Bảo Thanh tại nuí Đại Lại (Thanh Hoá). Hồ Quý Ly xưng là Khâm đức Hưng liệt Đại Vương, rồi sai người giết con rể là Thuận Tông.
- Ngày 28 tháng 2 năm Canh Thìn - 1400, Hồ Quý Ly bức Thiếu Đế nhường ngôi, lấy quốc hiệu là Đại Ngu, kinh đô ở Tây Đô (Thanh Hóa)



1. Hồ Quý Ly (Thánh Nguyên, 1400-1401)

Hồ Quý Ly tự là Thánh Nguyên, cháu 16 đời của Trạng nguyên Hồ Hưng Dật, vốn gốc thuộc tộc Việt ở Chiết Giang, phương nam Trung Quốc, đời Hậu Hán (thời Ngũ Qúy) sang làm Thái thú Diễn Châu, sau định cư ở hương Bào Đột (Nghĩa Đàn, Nghệ An).

Hồ Quý Ly là nhân vật thông minh lỗi lạc, ông đã đề ra nhiều cải cách táo bạo. Ông ra sách Minh Đạo để phê phán hệ tư tưởng Tống Nho, phục vụ cho những cải cách mới như hạn điền, hạn nô, sa thải tăng lữ để hạn chế phong kiến quý tộc, đồng thời tăng thêm lực lượng lao động xã hội góp phần giải phóng sức sản xuất, sức lao động.

Nhà Hồ cho đo đạc lại ruộng đất, điều tra dân số để nắm chắc tài sản và sức lao động toàn xã hội, phát hành tiền giấy, giải quyết khó khăn về tài chính quốc gia và thuận tiện cho việc lưu thông hàng hoá.

Cải cách chế độ thi cử, mở mang việc giáo dục, để đào tạo nhân tài, lập Quảng tế thự để chữa bệnh cho nhân dân đều là những cải cách tiến bộ.

Nhà Hồ định ra hình luật để củng cố, tăng cường bộ máy và quyền lực của triều đình trung ương, quan tâm đến giao thông thuỷ lợi, đào sông, đắp đường thiên lý, đặt phố xá, đặt trạm công văn.

Về quân sự thì tăng cường quân đội thường trực, xây dựng các tuyến phòng thủ, lập xưởng đúc binh khí kỹ thuật để chống giặc phương Bắc.

Các cải cách của Hồ Quý Ly có tính chất toàn diện, có những cải cách đi trước thời đại, giá trị thực tiễn của nó đến nay vẫn còn hấp dẫn, nhiều nhà kinh tế nước ngoài đã ca ngợi Hồ Quý Ly là một nhà cải cách kinh tế lớn. Nhưng Hồ Quý Ly mắc tội giết vua Thiếu Đế cùng tôn tộc và quan lại nhà Trần, kể cả tướng Trần Khát Chân, gồm hơn 370 người để cướp ngôi nhà Trần. Do vậy bị nhân dân oán hận. Khi quân Minh sang xâm lược nước ta, Hồ Qúy Ly đã không tập hợp được lực lượng toàn dân đánh giặc, bố con Hồ Qúy Ly bị quân Minh bắt đem về Trung Quốc.

2. Hồ Hán Thương (1401-1407)

Cũng như nhà Trần, ngày 12/1/1401, Hồ Qúy Ly nhường ngôi cho con thứ hai là Hồ Hán Thương, còn mình thì tự xưng là Thái Thượng hoàng cùng coi chính sự.

Hồ Hán Thương là con công chúa Huy Ninh, cháu ngoại của vua Trần Minh Tông.

Hồ Qúy Ly nhường ngôi cho Hồ Hán Thương, nhưng vẫn tự mình quyết đoán mọi việc.

Nhà Minh lấy cớ Hồ Qúy Ly cướp ngôi nhà Trần, đem quân sang đánh chiếm nước ta.

Tháng 9/1406, Nhà Minh sai Tân Thành hầu Trương Phụ đem 40 vạn quân đánh vào cửa ải Pha Luỹ (tức là Hữu Nghị quan ngày nay).

Nhà Minh còn sai Tây Bình hầu Mộc Thạnh cũng đem 40 vạn quân đánh vào cửa ải Phú Lệnh (gần thị xã Hà Giang ngày nay).

Tháng 12, quân Minh đã chiếm được Việt Trì. Nhà Hồ chống giữ không nổi 80 vạn quân Minh, bỏ chạy vào Thanh Hoá.

Ngày 20 tháng 1 năm 1407, quân Minh hạ thành Đa Bang (Ba Vì), bố con Hồ Quý Ly bỏ chạy vào Thanh Hoá, đến ngày 17/6/1407, quân Minh bắt được cha con Hồ Qúy Ly. Thế là đất nước ta lại bị nhà Minh đô hộ với một chính sự vô cùng hà khắc. Chúng vơ vét của cải, hãm hiếp đàn bà, con gái, giết đàn ông và còn thiến hoạn nhiều con trai nhỏ tuổi, để mong đồng hoá dân ta.




Cảm ơn bạn đã ghé thăm site của tôi! Bạn hãy để lại lời nhận xét (comment) của mình! Hoặc bạn cũng có thể đăng kí nhận bản tin RSS. Tôi hy vọng bạn thích site này của tôi và tìm được những thông tin bổ ích, và nếu có thể hãy thêm địa chỉ site này vào favorites của bạn để có thể ghé thăm lại. Cám ơn!



0 comments:

Post a Comment