Sau khi chiếm được Đại Việt, quân Minh chia nước ta thành quận huyện để cai trị. Chúng bắt nhân dân ta làm tôi tớ, thuế má lao dịch nặng nề, cuộc sống vô cùng cực khổ.
Ngày Mậu Thân, tháng Giêng năm Mậu Tuất (7/2/1418), Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa ở hương Lam Sơn, huyện Lương Giang, trấn Thanh Hoá. Có quân sư Nguyễn Trãi dâng sách Bình Ngô nhằm thu phục lòng người, cháu nội của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán là Trần Nguyên Hãn và nhiều nhân tài, hào kiệt các nơi tham gia.
Ngày Mậu Thân, tháng Giêng năm Mậu Tuất (7/2/1418), Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa ở hương Lam Sơn, huyện Lương Giang, trấn Thanh Hoá. Có quân sư Nguyễn Trãi dâng sách Bình Ngô nhằm thu phục lòng người, cháu nội của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán là Trần Nguyên Hãn và nhiều nhân tài, hào kiệt các nơi tham gia.
Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là một cuộc kháng chiến trường kỳ, kéo dài suốt 10 năm. Có lúc nghĩa quân bị bao vây, quân tướng chỉ còn mấy trăm người, không còn lương thực, phải đào củ chuối và giết ngựa mà ăn. Lê Lai đã cải trang giống Lê Lợi "liều mình cứu chúa" để Lê Lợi thoát khỏi vòng vây tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Minh. Theo kế sách của tướng quân Nguyễn Chích, Lê Lợi đã đưa quân vào Nghệ An, nơi đất rộng người đông, nhân dân có truyền thống yêu nước và bất khuất, nên đã đưa nghĩa quân Lam Sơn bước vào thời kỳ phát triển mới.
Cuộc kháng chiến trường kỳ đó ban đầu là một cuộc chiến tranh nhân dân, dùng chiến thuật du kích để tiêu hao sinh lực địch. Nghĩa quân mạnh dần lên, đã dùng kế sách "vây thành diệt viện" kết hợp với thuyết phục giặc đầu hàng. Quân ta bao vây thành Đông Quan (Hà Nội), nhà Minh sai tướng An viễn hầu Liễu Thăng dẫn 100 nghìn quân sang cứu viện. Nghĩa quân tổ chức phục binh ở ải Chi Lăng (Lạng Sơn), tướng Trần Lựu chém đầu Liễu Thăng. Quân ta đưa ấn tín, cờ tiết của Liễu Thăng vào thành Đông Quan cho giặc Minh biết. Tướng giặc Vương Thông hết hy vọng vào viện binh đã xin đầu hàng.
Ngày 16/12/1427, Lê Lợi - Nguyễn Trãi cho Vương Thông đến "Hội thề Đông Quan". Chúng thề không bao giờ dám xâm phạm Đại Việt nữa.
Lê Lợi - Nguyễn Trãi lấy đức hiếu sinh, cấp lương thực cho 100 nghìn quân Minh được an toàn rút về nước.
Ngày 3/1/1428, nghĩa quân hoàn toàn thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, lập nên triều đại nhà Lê. Sử gọi là Hậu Lê để phân biệt với Tiền Lê 980-1009 do Lê Hoàn sáng lập.
1. Lê Thái Tổ (Lê Lợi, 1428-1433)
Lê Lợi sinh ngày 6 tháng Tám năm Ất Sửu - 10/9/1385, là con trai thứ 3 của ông Lê Khoáng và bà Trịnh Thị Thương, người ở hương Lam Sơn, huyện Lương Giang, trấn Thanh Hoá. Ngay từ khi còn trẻ, Lê Lợi đã tỏ ra là người thông minh, dũng lược, đức độ hơn người, dáng người hùng vĩ, mắt sáng, miệng rộng, mũi cao, trên vai phải có nốt ruồi đỏ lớn, tiếng nói như chuông, bậc thức giả biết ngay là người phi thường.
Lớn lên, ông làm chức Phụ đạo ở Khả Lam, ông chăm chỉ dùi mài đọc sách và binh pháp, nghiền ngẫm thao lược, tìm mời những người mưu trí, chiêu tập dân lưu tán, hăng hái dấy nghĩa binh, mong trừ loạn lớn.
Mùa xuân năm Mậu Tuất - 1418, Lê Lợi đã cùng những hào kiệt đồng chí hướng như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Bùi Quốc Hưng, Lưu Nhân Chú v.v... phất cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, xưng là Bình Định Vương, kêu gọi nhân dân đồng lòng đứng lên đánh giặc cứu nước.
Suốt 10 năm nằm gai nếm mật, vào sinh ra tử, Lê Lợi đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi.
Sau hội thề Đông Quan, ngày 29/12/1427, bại binh của giặc bắt đầu được phép rút quân về nước an toàn, đến ngày 3/1/1428, bóng dáng quân Minh cuối cùng đã bị quét sạch khỏi bờ cõi.
Ngày 15 tháng Tư năm Mậu Thân - 1428, Lê Lợi chính thức lên ngôi Vua tại điện Kính Thiên xưng là "Thuận Thiên thừa vận, Duệ Văn Anh Vũ Đại Vương" đặt tên nước là Đại Việt, đóng đô ở Đông Đô (Hà Nội) đại xá thiên hạ, ban bố "Bình Ngô đại cáo" - đây chính là "Tuyên ngôn độc lập" lần thứ 2 của tổ quốc ta. Bình Ngô đại cáo mở đầu ghi:
"... Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
Xét như nước Đại Việt ta,
Thực là một nước văn hiến
Cõi bờ sông núi đã riêng
Phong tục Bắc Nam cũng khác..."
"Bình Ngô đại cáo" do Nguyễn Trãi thảo là một thiên anh hùng ca tuyệt vời, bất hủ, nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, truyền thống quật cường, bất khuất của dân tộc ta.
Trong Đại Việt sử ký toàn thư có ghi lời bàn: "Lê Thái Tổ từ khi lên ngôi đến khi mất, thi hành chính sự, thực rất khả quan, như ấn định luật lệnh, chế tác lễ nhạc, mở khoa thi, đặt cấm vệ, xây dựng quan chức, thành lập phủ huyện, thu thập sách vở, mở mang trường học... cũng có thể gọi là có mưu kế xa rộng, mở mang cơ nghiệp..."
Lê Thái Tổ mất ngày 22 tháng Tám năm Quý Sửu - 1433, hưởng thọ 49 tuổi, táng ở Vĩnh Lăng tại Lam Sơn, Thanh Hoá, trị vì được 5 năm.
2. Lê Thái Tông (Nguyên Long, 1433-1442)
Lê Thái Tông tên huý là Nguyên Long, sinh ngày 20 tháng 11 năm Quý Mão - 1423, là con thứ hai của Lê Lợi và bà Phạm Thị Ngọc Trần, lên ngôi vua ngày 8 tháng 9 năm Qúy Sửu - 1433, lấy niên hiệu là Thiệu Bình.
"Đại Việt sử ký toàn thư" ghi: "Vua thiên tư sáng suốt nối vận thái bình: bên trong ức chế quyền thần, bên ngoài đánh dẹp Di địch. Trọng đạo sùng Nho, mở khoa thi chọn hiền sĩ, xử tù, xét án phần nhiều tha thứ khoan hồng. Cũng là bậc vua tài giỏi nối giữ cơ đồ. Song đam mê tửu sắc, đến nỗi thình lình băng ở bên ngoài cũng là tự mình chuốc lấy hoạ..."
Lê Thái Tông lên ngôi vua mới 11 tuổi, còn quá trẻ lại phải đối phó với tình hình triều đình khá phức tạp. Mâu thuẫn và chia rẽ giữa hai lực lượng: một bên là các công thần khai quốc, đứng đầu là Đại tư đồ Lê Sát, Lê Ngân; một bên là những quan lại khoa bảng. Mặc dù vậy Thái Tông vẫn đủ bản lĩnh để không cho các đại thần hoàn toàn thao túng.
Ngày 27 tháng 7 năm Nhâm Tuất - 1442, Thái Tông đi tuần ở miền Đông, duyệt quân ở thành Chí Linh. Nguyễn Trãi mời vua ngự chùa Côn Sơn, nơi ở của Nguyễn Trãi. Ngày 4 tháng 8, vua về đến Lệ Chi Viên - vườn vải huyện Gia Định - nay thuộc Gia Lương, Bắc Ninh. Cùng đi với vua có Nguyễn Thị Lộ, một người thiếp của Nguyễn Trãi, được vua yêu quý và luôn phải theo hầu bên cạnh vua. Đêm đó Thái Tông bị bạo bệnh chết đột ngột khi mới 20 tuổi. Bọn gian thần trong triều vu cho Nguyễn Thị Lộ tội ám hại vua, rồi khép Nguyễn Trãi vào án "tru di tam tộc". Ngày 16 tháng 8, Nguyễn Trãi và ba họ bị hành hình. Chỉ có một người thoát chết là bà Phạm Thị Mẫn, một người thiếp khác của Nguyễn Trãi đang mang thai, được học trò của ông đưa trốn sang Lào. Bà Mẫn đẻ ra Nguyễn Anh Vũ. Sau này, vua Lê Thánh Tông minh oan cho Nguyễn Trãi. Nguyễn Anh Vũ được vua trọng dụng. Ông Nguyễn Văn Cừ, nguyên Tổng bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương là "hậu duệ" thuộc dòng họ ở Tiên Du, Bắc Ninh của Nguyễn Trãi.
Vua Lê Thái Tông mất mới 20 tuổi, nhưng đã có bốn con trai do bốn bà vợ sinh ra. Bà Chiêu Nghi Dương Thị Bí sinh ra Nghi Dân; bà Thần Phi Nguyễn Thị Anh sinh ra Hoàng tử Bang Cơ; bà Tiệp Dư Ngô Thị Ngọc Giao sinh ra Hoàng tử Tư Thành - sau này lên ngôi vua, hiệu là Lê Thánh Tông; và một bà vợ khác sinh ra Cung Vương Khắc Xương.
3. Lê Nhân Tông (Bang Cơ, 1442-1459)
Lê Nhân Tông tên huý là Bang Cơ, con thứ của Lê Thái Tông, sinh ngày 9 tháng 6 năm Tân Dậu - 1441. Ngày 16 tháng 11 năm Tân Dậu - 1441 được lập là Hoàng Thái tử, ngày 12 tháng 8 năm Nhâm Tuất - 1442 lên ngôi vua đổi niên hiệu là Thái Hoà. Lúc đó Lê Nhân Tông mới 2 tuổi, Thái hậu Tuyên Từ phải buông rèm nhiếp chính.
Tháng 11 năm Quý Dậu - 1453, vua 12 tuổi, Thái hậu trả quyền chính cho vua rồi lui về ở cung riêng. Vua đổi niên hiệu là Diên Ninh, đại xá cho thiên hạ. Người đời bấy giờ ca ngợi tài năng và đức độ của vua.
"Đại Việt sử ký toàn thư" ghi: "Vua tuổi còn thơ ấu đã có thiên tư sáng suốt, vẻ người tuấn tú, đàng hoàng, dáng điệu nghiêm trang, sùng đạo Nho, nghe can gián, thương người làm ruộng, yêu nuôi muôn dân, thực là bậc vua giỏi, biết giữ cơ đồ, không may bị cướp ngôi, giết hại. Thương thay!".
Trước kia, Dương Thị Bí là mẹ Nghi Dân có tội với Lê Thái Tông, nên Nghi Dân không được lập làm thái tử, mới ngầm chứa mưu gian nhòm ngó ngôi báu, cùng bọn đồng đảng là Phạm Đồn, Phan Ban, Trần Lăng cầm đầu bọn vô lại côn đồ, đêm ngày 3 tháng 10 năm Kỷ Mão - 1459 bắc thang chia làm ba đường, trèo thành cửa Đông, lẻn vào cung cấm giết chết vua Lê Nhân Tông và Tuyên Từ Hoàng thái hậu.
Lê Nhân Tông bị giết chết lúc mới 19 tuổi, làm vua được 17 năm.
Nghi Dân tự lập làm vua, nhưng chỉ 8 tháng sau lại bị các đại thần là Nguyễn Xí, Đinh Liệt xướng nghĩa giết bọn phản nghịch, giáng Nghi Dân xuống tước hầu, rồi lập Hoàng tử Tư Thành lên làm vua, đó là Lê Thánh Tông.
Cảm ơn bạn đã ghé thăm site của tôi! Bạn hãy để lại lời nhận xét (comment) của mình! Hoặc bạn cũng có thể đăng kí nhận bản tin RSS. Tôi hy vọng bạn thích site này của tôi và tìm được những thông tin bổ ích, và nếu có thể hãy thêm địa chỉ site này vào favorites của bạn để có thể ghé thăm lại. Cám ơn!
0 comments:
Post a Comment