This is a free and fully standards compliant Blogger template created by Templates Block. You can use it for your personal and commercial projects without any restrictions. The only stipulation to the use of this free template is that the links appearing in the footer remain intact. Beyond that, simply enjoy and have fun with it!

13 September 2008

BILL GATES NÓI VỀ "CNTB SÁNG TẠO" - PHẦN 2

“Hơn 30 năm trước, chúng tôi sáng lập Microsoft với mơ ước mỗi nhà sẽ có 1 máy tính. 10 năm trước, Melinda và tôi lập ra quỹ từ thiện với ước mơ tạo dựng một thế giới mà không một ai phải sống dưới $1 một ngày hay chết vì những bệnh tật có thuốc chữa. CNTB sáng tạo có thể thực hiện điều đó. Tôi hi vọng sẽ có thêm nhiều người tham gia vào sứ mạng này.” - Bill Gates.


“Liệu có còn đồng 10 USD nào rớt bên vệ đường?”
Như C.K. Prahalad đã chỉ ra trong cuốn sách “Kho báu dưới đáy Kim tự tháp”, trên thế giới còn rất nhiều thị trường bị bỏ sót. Một cuộc nghiên cứu phát hiện rằng những 2/3 số người nghèo nhất hành tinh có sức mua tới 5 ngàn tỉ.


Hãng kẹo Cadbury của Anh quốc đã đầu tư hàng nghìn đôla để các hộ gia đình ở Ghana có việc làm, trồng và sản xuất hạt cacao, nguyên liệu làm nên chocola danh tiếng Cadbury.
hư C.K. Prahalad đã chỉ ra trong cuốn sách “Kho báu dưới đáy Kim tự tháp”, trên thế giới còn rất nhiều thị trường bị bỏ sót. Một cuộc nghiên cứu phát hiện rằng những 2/3 số người nghèo nhất hành tinh có sức mua tới 5 ngàn tỉ.

Lí do chính của việc các nguồn lực thị trường chưa có khả năng tạo ảnh hưởng đối với các nước đang phát triển chính là việc không nghiên cứu thỏa đáng. Tôi ý thức rất rõ điều này bởi tôi đã chứng kiến ngay tại Microsoft.

Trong vòng nhiều năm, Microsoft dựa vào từ thiện để mang công nghệ tới tay những người không có, bằng cách quyên góp hơn 3 tỉ đô la tiền mặt và phần mềm với hi vọng nối liền hố ngăn cách số.

Nhưng khả năng thực sự của chúng tôi là viết những phần mềm để giải quyết các vấn đề, và gần đây chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi chưa mang đủ những khả năng cần thiết để giải quyết các vấn đề của thế giới đang phát triển. Vì thế chúng tôi đang xem xét bất cập này vừa trên góc độ kinh doanh vừa trên góc độ từ thiện.

Chúng tôi đang xúc tiến các dự án như một giao diện trực quan giúp người mù chữ và bán mù sử dụng máy tính ngay lập tức với lượng đào tạo tối thiểu. Một chương trình khác của chúng tôi cho phép tất cả 50 học sinh của một lớp sử dụng chung 1 máy tính, mỗi học sinh có một chuột điều khiển riêng.

Đây là bước tiến lớn đối với các trường học bởi hiện trạng thiếu hụt máy tính, và đây cũng là một thị trường chúng tôi chưa từng thâm nhập.

Thị trường điện thoại di động còn chỗ trống?

Điện thoại di động là một ví dụ nữa. Các nước phát triển đem lại nguồn thị trường dồi dào, nhưng lịch sử cho thấy các công ty đánh giá thấp tiềm lực của các thị trường này.

Vào năm 2000, khi Vodafone mua lại một phần lớn cổ phần của 1 công ty ĐTDĐ của Kenya, họ ước tính rằng mức tối đa của thị trường tiêu dùng Kenya là 400.000 người sử dụng.

Ngày nay, công ty đó có tới hơn 10 triệu khách hàng. Khách hàng trả tiền cước theo giây chứ không phải phút, vì thế cước phí được giảm đáng kể. Công ty Safaricom, tất nhiên, hưởng lợi hậu hĩnh, nhưng cũng tạo ra sự khác biệt. Các nông dân sử dụng ĐTDĐ để tìm hiểu giá cả tại các chợ lân cận.

Cũng có nhiều công dụng sáng tạo khác, chẳng hạn như việc giữ tiền mặt trong DĐ (qua hệ thống điện tử) và dịch vụ chuyển tiền. Việc hạn chế đem tiền mặt theo người tạo ra nhiều thuận lợi đồng thời giảm nguy cơ cướp giật.

Đây chính là cách đem lại lợi ích cho con người khi các cơ hội được giới kinh doanh khai thác triệt để. Nhưng kể từ khi tôi bắt đầu thảo luận về CNTB sáng tạo đầu năm nay, tôi biết một số người hoài nghi về việc tìm kiếm những thị trường mới.

Họ nói rằng: “Nếu những cơ hội này là có thật, đến giờ này ai đó chắc hẳn đã tìm ra rồi.” Tôi không tán đồng. Luận điểm của họ ngầm định rằng người ta đã nghiên cứu tất cả các thị trường có khả năng tiếp nhận sản phẩm.

Thái độ này gợi cho tôi nhớ tới câu chuyện về một kinh tế gia bước đi trên phố với một người bạn. Nhà kinh tế học bước qua tờ $10 nằm trên đường.

Khi người bạn hỏi tại sao anh không nhặt tiền thì anh giải thích: “Không có lí nào lại có tờ tiền đó, nếu có, chắc hẳn ai đó đã nhặt nó rồi!” Một số công ty mắc phải sai lầm tương tự. Họ nghĩ tất cả những tờ $10 đều được ai đó nhặt hết rồi.

Cơ hội vẫn luôn bỏ ngỏ

Ngân hàng Grameen ở Bangladesh cho những người dân vay tiền để đầu tư kinh doanh. Từ ngày thành lập, ngân hàng này đã cho vay trên 7 triệu đôla giành cho người nghèo

Chúng ta không thể để những suy nghĩ này cướp đi những cơ hội như thế, và lẽ ra, các nhà nghiên cứu và chiến lược gia cần gặp gỡ các chuyên gia thường xuyên để tìm hiểu nhu cầu của người nghèo và những áp dụng mới cho các ý tưởng của họ.

Ngoài việc tìm kiếm các thị trường mới và phát triển sản phẩm mới, các công ty cũng có thể hưởng lợi bằng cách cung cấp cho người nghèo các sản phẩm với mức độ giảm giá cao.

Các ngành công nghiệp khác chẳng hạn như phần mềm và dược phẩm, hai ngành có chi phí sản xuất thấp, có thể đóng góp bằng cách bán sản phẩm với lợi nhuận cao ở các thị trường giàu, và hưởng lợi ít hơn, hoặc thậm chí không hưởng lợi, ở các thị trường nghèo.

Mặc dù các ngành công nghiệp khác không thể tiến hành việc định giá có phân hạng này, nhưng họ vẫn có thể được công chúng công nhận cũng như nâng cao uy tín. Những công ty tham gia chiến dịch (RED) đã tạo cho mình một thị trường khách hàng mới: những khách hàng muốn góp phần vào một mục đích cao cả. Đó có thể là lí do khiến họ mua ngày càng nhiều sản phẩm.

Không chỉ đối với khách hàng, các công ty với làm việc tốt cũng có lợi ích chủ yếu, đó là khả năng tuyển dụng cũng như duy trì đội ngũ nhân viên tốt. Ngày nay, lớp trẻ trên khắp thế giới muốn làm việc cho các tổ chức mà họ tự hào. Chỉ cần cho họ thấy rằng công ty của họ đang áp dụng chất xám vào việc giúp đỡ những người nghèo nhất, họ sẽ đáp lại bằng lòng tận tụy và sự nhiệt tình.

Tạo ra các động lực mới

Cho dù giới kinh doanh ra sức tìm kiếm hay suy nghĩ một cách sáng tạo, thế giới vẫn có những vấn đề mà những động lực của các thị trường đang tồn tại không giải quyết được.

Bệnh sốt rét là một ví dụ tốt: Những người bệnh cần thuốc hay những vắc xin mới lại là những người ít có khả năng chi trả nhất, bởi thế những loại thuốc và vắc xin đó chẳng bao giờ được sản xuất. Trong những trường hợp này, các CP và các tổ chức phi lợi nhuận có thể tạo ra những khích lệ mới.

Đây là cách thứ hai để CNTB sáng tạo cất cánh. Các biện pháp khuyến khích có thể trực tiếp như khen ngợi các công ty có thành tích trước công chúng.

Mùa hè này, một tổ chức phi lợi nhuận của Hà Lan tên là Access to Medicine Foundation đã xuất bản báo cáo liệt kê những công ty dược phẩm có nỗ lực lớn nhất trong việc sản xuất và chuyên chở thuốc tới người dân những nước đang phát triển.

Khi tôi nói chuyện với giới điều hành của các công ty dược, họ nói rằng họ còn muốn làm nhiều hơn cho những căn bệnh thường bị sao lãng, nhưng họ cần được ghi nhận công sức. Và bản báo cáo đã thực hiện chính xác mục đích đó.

Việc được công chúng biết tới có giá trị rất cao, nhưng đôi lúc không đủ để thuyết phục các công ty tham gia. Thậm chí quan hệ công chúng có lẽ cũng không đủ tiền để trang trải cho 10 năm nghiên cứu một loại thuốc mới.

Vì thế việc các CP tạo thêm những khích lệ về mặt tài chính là rất cần thiết. Chẳng hạn, theo một đạo luật của Mỹ năm ngoái, bất cứ một công ty dược nào phát triển phương pháp chữa mới cho những căn bệnh vốn bị lơ là như sốt rét sẽ được Cục quản lí Dược và Thực phẩm (FDA) ưu tiên kiểm duyệt hàng đầu, kể cả việc kiểm duyệt các sản phẩm khác.

Chẳng hạn nếu bạn cho ra đời một loại thuốc sốt rét mới, thuốc cholesterol kiếm lợi nhuận cao của bạn cũng có thể xuất hiện trên thị trường sớm hơn tới 1 năm. Đó là cách rất hay mà các CP có thể áp dụng để cung cấp nhiều dạng cứu trợ hơn nữa và điều chỉnh nguồn lực thị trường vào việc cứu sống nhiều người hơn nữa.

Tất nhiên, CP ở các nước đang phát triển cũng cần tạo điều kiện cho các thị trường phát triển, đem lợi ích của tăng trưởng kinh tế tới nhiều người hơn nữa.

Thực ra, tôi cũng nghe được một tranh luận khác chống lại CNTB sáng tạo: “Chúng ta không cần biến CNTB thành CNTB sáng tạo.

Chúng ta chỉ cần các CP ngừng việc can thiệp. “Vấn đề là ở chỗ các quốc gia vẫn có thể tiến hành đầu tư kinh doanh, cả trong và ngoài nước, với điều kiện đảm bảo quyền sở hữu tài sản, giảm nạn quan liêu, vv & vv…

Tuy nhiên, những thay đổi này đến rất chậm, trong khi chúng ta không thể ngồi chờ. Là một nhà kinh doanh, tôi đã thấy nhiều công ty bước chân vào những thị trường mới, ngay cả khi các điều kiện chưa phải là lí tưởng.

Là một nhà từ thiện, tôi cũng thấy sự quan tâm của chúng ta buộc chúng ta phải giúp người khác. Chúng ta càng chờ lâu, càng có nhiều người phải chịu đựng một cách vô ích.

Bước tiếp theo là gì?


Chương trình TOMS được một công ty đặt ở Santa Monica, California (Mỹ) thực hiện rất đơn giản: Bạn mua một đôi giày và họ sẽ tặng bạn thêm một đôi khác để giành tặng cho những trẻ em nghèo thật sự cần đến những đôi giày đó. Chương trình này vừa giúp tăng doanh thu của các cửa hàng, thu hút khách mua hàng và giúp đỡ được người nghèo.
Vào tháng 6 vừa rồi, tôi đã thôi vai trò hàng ngày tại Microsoft để giành nhiều thời gian hơn cho Quỹ Bill & Melinda Gates. Tôi sẽ trao đổi với các nhà lãnh đạo về việc làm thế nào để CP của họ tăng trợ cấp cho người nghèo, sử dụng trợ cấp một cách có hiệu quả và thu hút nhiều đối tác hơn thông qua CNTB sáng tạo.

Tôi cũng sẽ thảo luận với các CEO về những gì công ty của họ có thể làm. Có một ý tưởng là đóng góp một phần thời gian của các nhà sáng kiến hàng đầu vào những vấn đề ảnh hưởng tới những người bị CNTB bỏ lại.

Những đóng góp như thế này sử dụng lượng chất xám vốn dùng để cải thiện cuộc sống cho những người giàu nhất vào việc hiến tặng một phần cho cuộc sống của những người còn lại. Một số công ty dược như Merck và GlaxoSmithKline đã bắt đầu thực hiện điều này.

Công ty Hóa chất Sumitomo của Nhật Bản đã chia sẻ một phần công nghệ với công ty sợi của Tanzania, nhằm sản xuất hàng nghìn tấm màn – công cụ chủ yếu phòng chống sốt rét. Các công ty khác cũng đang đi theo hướng tương tự trong lĩnh vực thực phẩm, ĐTDĐ và ngân hàng.

Nói cách khác, CNTB sáng tạo đã bắt đầu chặng đường của nó. Nhưng chúng ta còn có thể làm được nhiều hơn nữa. Các CP có thể tạo ra nhiều khuyến khích hơn như phiếu tặng tiền FDA.

Chúng ta cũng có thể mở rộng ý tưởng thẻ báo cáo ra ngoài khuôn khổ của ngành dược phẩm và xuất bản hạng mục để các công ty được danh tiếng từ nỗ lực của mình. Người tiêu dùng có thể tặng thưởng các công ty bằng cách mua sản phẩm của họ.

Các nhân viên có thể biết chủ của họ đóng góp như thế nào. Nếu ngày càng có nhiều công ty theo bước các công ty đầu đàn trong ngành, cùng với nhau họ sẽ tạo ra sức mạnh lớn để giải quyêt những vấn đề nghiêm trọng nhất của thế giới.

Hơn 30 năm trước, Paul Allen và tôi sáng lập Microsoft bởi chúng tôi muốn là một phần của công cuộc đặt một chiếc máy tính lên mỗi chiếc bàn trong mỗi ngôi nhà.

10 năm trước, Melinda và tôi lập ra quỹ từ thiện bởi chúng tôi muốn là một phần của một công cuộc khác, lần này là giúp tạo dựng một thế giới mà không một ai phải sống dưới $1 một ngày hay chết vì những bệnh tật chúng ta có thể phòng chống.

CNTB sáng tạo có thể thực hiện điều đó. Tôi hi vọng sẽ có thêm nhiều người tham gia và sứ mạng này.


Catherine Trần (dịch từ TIME)




Cảm ơn bạn đã ghé thăm site của tôi! Bạn hãy để lại lời nhận xét (comment) của mình! Hoặc bạn cũng có thể đăng kí nhận bản tin RSS. Tôi hy vọng bạn thích site này của tôi và tìm được những thông tin bổ ích, và nếu có thể hãy thêm địa chỉ site này vào favorites của bạn để có thể ghé thăm lại. Cám ơn!



BILL GATES NÓI VỀ "CNTB SÁNG TẠO" - PHẦN 1

Chủ nghĩa Tư bản Sáng tạo không phải là một thuyết kinh tế mới mẻ hay to tát. Nó càng cũng không phải là sự phủ định của CNTB, nó trả lời một câu hỏi quan trọng: Làm thế nào để những thành tựu mà CNTB đem lại cho cuộc sống đến được với chính những người mà nó đã bỏ rơi?
Tạp chí TIME danh tiếng của Mỹ mới đây đã có buổi phỏng vấn thú vị với Bill Gates, người sáng lập Microsoft và chủ tịch Quỹ nhân đạo lớn trên thế giới. Trong cuộc nói chuyện này, Bill Gates đã nói đến một quan điểm mới về Chủ nghĩa Tư bản mà ông gọi là Chủ nghĩa Tư bản Sáng tạo.
Đây là cái nhìn mới về một chủ đề không mới, cũng là một trong những nỗ lực không ngừng của Bill Gates trong việc tạo dựng một thế giới không những giàu có hơn, mà còn giàu tình nhân ái hơn.


Chính Nhà nước hay các Tập đoàn sẽ cứu người nghèo?

Chủ nghĩa tư bản (CNTB) đã cải thiện cuộc sống của hàng tỉ người trên khắp hành tinh, cho dù thành tích này dường như mờ nhạt trong bối cảnh kinh tế chúng ta đang đối mặt ngày hôm nay.

Nhưng CNTB cũng đã bỏ lại hàng tỉ người phía sau trên con đường cải tiến của nó. Rất nhiều người thiếu thốn những nhu cầu sinh hoạt căn bản, nhưng vẫn lâm vào cảnh khó khăn bởi không được thị trường “để ý”.

Vì thế, họ mắc kẹt trong nghèo đói dù thế giới vẫn giàu lên, chết vì những căn bệnh có thuốc chữa, chưa kể tới việc không bao giờ có cơ hội làm chủ cuộc đời mình.

Chính phủ và các tổ chức phi chính phủ là tiên phong trong việc cứu trợ người nghèo, nhưng cuộc chiến “đơn thương độc mã” này sẽ mất quá nhiều thời gian.

Các tập đoàn chính là nơi có cơ sở vật chất cũng như năng lực để biến những thành tựu công nghệ thành công cụ giúp người nghèo cải thiện cuộc sống.

Để tận dụng tối đa những kĩ năng này, chúng ta cần một hệ thống TBCN sáng tạo hơn. Đó chính là việc mở rộng tầm với của các nguồn lực thị trường, đưa chúng tới lợi nhuận đồng thời giúp đỡ nhân loại. Chúng ta cần những chính sách và phương pháp mới để lôi cuốn nhiều người vào hệ thống TBCN hơn nữa.

Cho dù còn rất nhiều việc phải làm, nhưng điều đáng mừng là CNTB sáng tạo đã hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta. Một vài tập đoàn đã khám phá và tiếp cận những thị trường mới để tiếp thị điện thoại di động, một trong những công nghệ thay đổi cuộc sống của người nghèo. Các tổ chức khác, với tác động của các nhà hoạt động, đã đưa chủ đề từ thiện vào chiến lược kinh doanh.

Những ví dụ có thật

Để đưa ra một ví dụ có thật, vài năm trước tôi ngồi quán bar với Bono, và phải nói thật là tôi từng nghĩ anh ấy hơi khác người.

Sau vài chầu rượu, Bono trở nên phấn khích và bắt đầu thuyết trình về một kế hoạch lôi kéo các công ty vào cuộc chiến chống nạn nghèo đói và bệnh tật trên quy mô toàn cầu.

Anh ấy không ngừng bấm số điện thoại mật của các nhân viên hàng đầu và dí điện thoại cho tôi nghe mỗi khi họ đưa ra những câu trả lời hào hứng dù còn trong cơn ngái ngủ.

Sự kiên trì của Bono đã cho ra đời chiến dịch (RED) rầm rộ khắp nơi. Ngày nay các công ty lớn như Gap, Hallmark và Dell đã đi đầu bằng việc bán các sản phẩm hiệu (RED) và tặng một phần lợi nhuận cho cuộc chiến chống AIDS (Microsoft gần đây cũng đã đăng kí).

Bill Gates và Bono trong một chiến dịch giành cho người nghèo mang tên (RED)

Đó là sự kết hợp tuyệt vời: Các công ty tạo nên sự khác biệt song song với việc tăng lợi nhuận, người tiêu dùng cũng có cơ hội ủng hộ một cuộc chiến cao cả, và điều quan trọng nhất là rất nhiều cuộc đời được cứu sống.

Chỉ trong vòng 1 năm rưỡi trở lại đây, (RED) đã quyên góp được 100 triệu đô cho Quỹ chống AIDS, lao phổi và sốt rét toàn cầu. Nỗ lực này đã đem thuốc men tới tay 80.000 người ở các nước nghèo, đồng thời đã giúp 1,6 triệu người được đi kiểm tra HIV. Đó chính là những thành tích của CNTB sáng tạo.

CNTB sáng tạo không phải là một thuyết kinh tế mới mẻ hay to tát. Nó càng cũng không phải là sự phủ định của CNTB. CNTB sáng tạo là cách trả lời một câu hỏi quan trọng: Làm thế nào để những thành tựu mà CNTB đem lại cho cuộc sống đến được với những người mà nó bỏ rơi?

Hai động lực chính để phát triển con người: Lợi ích bản thân và Sự quan tâm đến cộng đồng


Có lẽ đây là một nghịch lí: Bàn luận về CNTB sáng tạo trong khi chúng ta phải trả hơn 4 USD cho một gallon dầu (tương đương hơn 18.000đ/lít dầu) , và nhiều dân Mỹ đang xoay xở với nợ cầm cố.

Không gì có thể che dấu hiện trạng khó khăn của nền kinh tế ngày nay, với tác động sâu sắc lên nhân loại, và chúng ta cần những cứu cánh khẩn cấp.

Tuy thế, CNTB sáng tạo không phải là câu trả lời cho những thăng trầm ngắn hạn của chu kì kinh tế thường nhật.

Với sứ mạng cao và xa hơn, CNTB sáng tạo là lời giải đáp cho thực tế lâu nay về sự thua thiệt của nhiều người sau một thế kỉ của những cải thiện chất lượng cuộc sống. Ở rất nhiều quốc gia, tuổi thọ dự tính đã tăng đáng kể trong 100 năm trở lại đây.

Đó là một thế kỉ chúng ta được chứng kiến lượng người đi bầu cử, thể hiện chính kiến và tận hưởng quyền tự do kinh tế hơn bao giờ hết. Cho dù với gánh nặng của những vấn đề kinh tế chúng ta đang phải gánh ngày nay, chúng ta đang ở một bậc cao của phúc lợi nhân loại. Thế giới đã trở nên tốt đẹp hơn xưa rất nhiều.

Vấn đề là ở chỗ, tốc độ cải thiện của thế giới vẫn là quá chậm, và phúc lợi không giành cho tất cả mọi người. Có 1 tỉ người trên hành tinh của chúng ta sống ở mức dưới 1 đô la mỗi ngày. Họ không có đủ thức ăn dinh dưỡng, nước sạch và điện thắp sáng.

Những sáng tạo đáng kinh ngạc của khoa học như vác xin và chip vi mạch dường như không đến với 1 tỉ người đó. Đây là nơi các chính phủ và các tổ chức phi lợi nhuận can thiệp vào.

Theo cách nhìn của tôi, bản chất con người gồm hai động lực chính: lợi ích cho bản thân và quan tâm đến cộng đồng. CNTB đã gây dựng và phát triển lợi ích bản thân theo chiều hướng không những có lợi mà còn có khả năng duy trì cho tương lai, nhưng chỉ giành cho những cá nhân có khả năng thanh toán. Trợ cấp CP và các kênh từ thiện chăm sóc phần còn lại của thế giới: những người không có khả năng thanh toán.

Và thế giới sẽ mang lại những tiến bộ lâu dài đối với những bất cập lớn vẫn tồn tại ngày nay như AIDS, nghèo đói và giáo dục, chỉ khi các CP và tổ chức phi lợi nhuận góp phần của mình bằng cách đưa ra nhiều trợ cấp hơn, đặc biệt là các trợ cấp có hiệu quả.

Nhưng những cải thiện này sẽ xảy ra nhanh hơn và kéo dài lâu hơn nếu chúng ta hướng những nguồn lực thị trường, bao gồm những sáng kiến giành riêng cho việc đáp ứng nhu cầu của những người nghèo nhất, để chung sức với những nỗ lực của CP và các tổ chức phi lợi nhuận.

Chúng ta cần một hệ thống tốt hơn nữa để thu hút các nhà sáng chế và các thương gia. Theo lẽ thường, khi các công ty tham gia vào bất cứ hoạt động nào, họ cần có lợi nhuận. Đây chính là tâm điểm của CNTB. Đây không chỉ là việc tham gia vào các chương trình từ thiện hay đòi hỏi các công ty phải có đạo đức hơn.

Đây là việc cung cấp những động cơ thực sự để các công ty áp dụng chất xám theo những cách mới, vừa có khả năng kiếm lời lại vừa đem lại lợi ích cho những người bị bỏ rơi.

Điều này có thể tiến hành theo hai cách: các công ty có thể tự tìm ra các cơ hội riêng cho mình, hoặc là các CP và các tổ chức phi lợi nhuận có thể giúp tạo ra những cơ hội còn chưa tồn tại.


Catherine Trần (dịch từ TIME)




Cảm ơn bạn đã ghé thăm site của tôi! Bạn hãy để lại lời nhận xét (comment) của mình! Hoặc bạn cũng có thể đăng kí nhận bản tin RSS. Tôi hy vọng bạn thích site này của tôi và tìm được những thông tin bổ ích, và nếu có thể hãy thêm địa chỉ site này vào favorites của bạn để có thể ghé thăm lại. Cám ơn!



09 September 2008

SƠ LƯỢC LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN SÁNG TẠO

Chủ nghĩa Tư bản Sáng tạo không phải là một thuyết kinh tế mới mẻ hay to tát. Nó càng cũng không phải là sự phủ định của CNTB, nó trả lời một câu hỏi quan trọng: Làm thế nào để những thành tựu mà CNTB đem lại cho cuộc sống đến được với chính những người mà nó đã bỏ rơi? Bài viết sau đây sẽ điểm lại một số sự kiện trong lịch sử phát triển của chủ nghĩa tư bản sáng tạo


1831: JOHN CADBURY là một tín đồ phái giáo hữu, thành viên Hội những người không uống chất có cồn đã bắt đầu sự nghiệp bằng việc bán chocola pha chế thay cho đồ uống có chất cồn.

Chứng kiến điều kiện sống nghèo khổ, bần cùng của những người công nhân ở Anh Quốc vào thời điểm đó, con trai của ông George Cadbury đã mua một mảnh đất rộng làm nhà cho những người công nhân không có nhà ở.
Làng Cadbury Bourville do Gia đình ưCadbury xây cho công nhân

Trong khu nhà đó còn có cả lớp học giành cho thanh niên, bể bơi và các dụng cụ luyện tập thể thao - những điều kiện mà đến cả chính phủ Anh quốc cũng chưa xây dựng cho người nghèo được vào thời điểm đó, hoặc giả có thì họ cũng sẽ đòi hỏi và yêu cầu một số điều kiện ngược trở lại.

1889: Ông trùm ngành thép ANDREW CARNEGIE thời đó là một trong những người đàn ông giàu nhất ở Scotland, là tác giả cuốn sách mang tên “Những nguyên lý để trở nên giàu có”. Ông nói các nhà tỷ phú phải hành xử và hành động một cách mạnh mẽ để giúp những người nghèo.ANDREW CARNEGIE

Một người đàn ông sau khi trở nên giàu có nhất thiết nên giành một phần trong số lợi nhuận khổng lồ mà mình kiếm được để giành tặng cho người nghèo bằng cách xây thư viện, công viên hoặc trường học.

Ông cho rằng những cách tặng tiền như vậy ý nghĩa với người nghèo hơn là cho họ một khoản tiền. Carnegie đã tặng tổng cộng 2509 tủ sách và 90% tài sản của mình cho việc từ thiện trước khi ông chết ở tuổi 90.

1914: HENRY FORD trả lương cho công nhân của mình 5 đôla/ngày - gấp đôi giá thông thường thời đó, ngay từ khi khi bắt đầu sự nghiệp. Ông cho rằng đó là cách để những người công nhân trở thành chính khách hàng của mình.HENRY FORD

Tuy nhiên, ông đã bị chỉ trích gay gắt về quan điểm này. Tờ New York Times cho rằng kế hoạch đó là “cực kỳ hoang tưởng” và “chắc chắn sẽ thất bại”.

Còn tờ Wall Street Journal thì buộc tội công ty của ông đã có những “cam kết kinh tế cực kỳ ngớ ngẩn” và mang lại cho người lao động “những nguyên tắc tinh thần mà đáng lẽ họ không được có”.

1931: ADOLF BERLE và MERRICK DODD là hai luật sư đứng chung một mục phản biện trên tạp chí Luật Harvard (Harvard Law Review). Hai ông đã khởi xướng một cuộc thảo luận trên tạp chí Luật Harvard kéo dài 10 năm sau đó.
ADOLF BERLEMERRICK DODD
Luật sư Berfle thì giữ quan điểm rằng việc đầu tiên mà những nhà tư bản nên làm và phải làm ngay giữ cho chắc và đầu tư hợp lý phần lợi nhuận mà mình; còn luật sư Dodd thì cho rằng những ông chủ tư bản thật sự nên nghĩ đến những nhóm người khác như công nhân, người lao động nghèo và cộng đồng.

1960: Giám đốc kỹ thuật của hãng HP danh tiếng, kỹ sư công nghệ máy tính hàng đầu thế giới DAVE PACKARD thì nói rằng: “Rất nhiều người đã quan niệm một cách sai trái rằng các công ty tồn tại chỉ đơn thuần để tìm kiếm lợi nhuận.

Trong khi thực tế, khi một công ty ra đời và tồn tại thì giá trị của nó lại nằm ở việc mọi người đã cùng nhau làm việc, tồn tại trong một thực thể gọi là… “công ty”, để từ đó, họ có khả năng cùng nhau tạo ra những giá trị mà nếu không làm cùng nhau họ sẽ không thể tạo ra nổi.

Họ đã làm ra cái mà người ta gọi là “một sự đóng góp xã hội”. Đó mới chính là lý do thật sự và sâu sắc cho việc tồn tại các công ty, tập đoàn.

1962: DAVID ROCKERFELLER - Chủ tịch của Ngân hàng Chase Manhattan nói trong một buổi diễn thuyết rằng: “Quan điểm một ông chủ tư bản có quyền tuỳ ý sử dụng tài sản của mình, cũng như tìm kiếm thêm lợi nhuận thì đồng thời ông ta cũng bị buộc vào một số trách nhiệm xã hội đã lỗi thời.

Ngày nay, người quản lý không chỉ là người làm việc để phục vụ cho ông chủ tư bản, mà còn phải là người đại diện cho người lao động, hay sâu sắc hơn, là đại diện cho xã hội của người lao động.

Cùng thời gian này, nhà kinh tế Theodore Levitt viết một bài trên tạp chí Luật Harvard rằng “không bao lâu nữa xu thế mục đích của các hãng/tập đoàn chỉ là để kiếm ra nhiều tiền sẽ chấm dứt, thay vào đó là xu thế khẳng định sự tồn tại của các hãng kinh tế/tập đoàn là để “phục vụ cộng đồng”.

1970: Đã có khoảng 3000 cổ đông trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông hàng năm của hãng GM cũng như các cổ đông lớn của hãng đã đồng loạt bầu RALPH NADER trở thành người đại diện cho một Ủy ban đại diện cho những người lao động.

Nhà kinh tế MILTON FRIEDMAN viết: “Trách nhiệm Xã hội của các hãng/tập đoàn là làm gia tăng giá trị cho lợi nhuận”.

Ông lập luận rằng trách nhiệm của một doanh nghiệp đối với cổ đông của mình là ngoài việc tạo ra lợi nhuận còn phải tạo ra những lợi ích xã hội đủ để chính những cổ đông này không cảm thấy có lỗi với phần tài sản mà mình thu được.

Đó gọi là những lợi ích về cả mặt vật chất và tinh thần.

1976: Có đến 23 công ty đã cùng nhau thành lập Câu lạc bộ 5% (The 5% CLUB) để kêu gọi các công ty ủng hộ một số phần trăm nào đó từ lợi nhuận của công ty cho các tổ chức từ thiện. Với 220 thành viên hiện tại, các công ty đóng góp từ 2% - 5% lợi nhuận cho hoạt động của Câu lạc bộ này là General Mills, Target, Medtronic, Cargill, Northwest, Airlines, Comcast và KPMG.

MUHAMMAD YUNUS bắt đầu sự nghiệp bằng việc cho người nghèo ở Bangladesh vay vốn. Ngân hàng Grameen của ông đã tạo ra bước nhảy đột phá trong lĩnh vực kinh tế vi mô bằng việc thay đổi nhìn nhận đối với người nghèo, đặc biệt là phụ nữ là những “con nợ khó đòi” mà là những khách hàng tiềm năng.

1979: WELSHMAM ROBERT OWEN mua một xưởng dệt bông ở New Lanark, Scotland. Ở đây ông đã thành lập một quĩ từ thiện giành cho những người lao động nghèo đói và ốm yếu. Xưởng của ông chỉ nhận người lao động từ 10 tuổi trở lên.

Khi những nhà đầu tư của xưởng bắt đầu lo lắng về việc liệu quĩ này có bị tiêu tốn quá nhiều tiền không, thì Owen lại cho rằng số tiền 5% tổng lợi nhuận giành cho người nghèo chả có gì đáng kể hết, lập tức, ông tìm kiếm những đối tác khác - những người sẵn sàng chia một phần lợi nhuận cho những người lao động nghèo.

1983: AMRICAN EXPRESS bắt đầu sử dụng cụm từ “cause-related marketing” để chỉ phương thức marketing mà trong đó, một phần tiền thu về từ một sản phẩm bán ra sẽ giành tặng cho một quĩ từ thiện nào đó. Một chiến dịch quyên góp tiền như vậy đã mang lại lợi nhuận bất ngờ cho hãng Statue of Liberty.

1988: Giám đốc quĩ từ thiện PAUL TUDOR JONES thành lập quĩ Robin Hood nhằm giúp đỡ những người nghèo ở New York. Từ đó mở ra kỷ nguyên và sự bùng nổ của những quĩ từ thiện do các hãng/tập đoàn ở Mỹ quyên góp. Ở Robin Hood, các khoản tiền quyên góp được kiểm soát một cách chặt chẽ và chuyển đến tận tay những người thực sự cần đến chúng.


Hương Lan (dịch từ TIME)





Cảm ơn bạn đã ghé thăm site của tôi! Bạn hãy để lại lời nhận xét (comment) của mình! Hoặc bạn cũng có thể đăng kí nhận bản tin RSS. Tôi hy vọng bạn thích site này của tôi và tìm được những thông tin bổ ích, và nếu có thể hãy thêm địa chỉ site này vào favorites của bạn để có thể ghé thăm lại. Cám ơn!



01 September 2008

NHÀ MẠC (1527 - 1592), KINH ĐÔ ĐÔNG ĐÔ (HÀ NỘI)

Cuối triều Lê Sơ, các vua nhà Lê phần thì ăn chơi truỵ lạc, hại dân hại nước, phần thì nhu nhược, đớn hèn. Giữa tình cảnh bấy giờ, quan đại thần Mạc Đăng Dung, với tài năng cơ trí và tham vọng của mình đã quyết định soán ngôi nhà Lê, lập ra triều đại nhà Mạc, tồn tại 65 năm (nhưng thực tế kéo dài tới 150 năm mới bị tận diệt).


1- Mạc Đăng Dung (1527-1529)

Mạc Đăng Dung quê ở làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương (Hải Dương) là cháu bảy đời của trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi làm quan đến chức Nhập nội hành khiển (Tể tướng) thời Trần, bố là Mạc Hịch, mẹ là Đặng Thị Hiến. Ông bà Mạc Hịch - Đặng Thị Hiến sinh được 3 người con trai là: Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Đốc và Mạc Đăng Quyết.

Mạc Đăng Dung sinh ngày 23 tháng 11 năm Quý Mão - 1483. Thời trẻ, Mạc Đăng Dung có sức khoẻ phi thường, tướng mạo khôi ngô. Ông xuất thân từ một thanh niên nghèo, làm nghề đánh cá, trong một dịp đi thi võ ở kinh đô đã trúng Đô lực sĩ và được sung vào Châu túc vệ chuyên cầm dù đi theo vua.

Mạc Đăng Dung tiến rất nhanh trên con đường hoan lộ, năm 1511 mới 29 tuổi đã được phong tước Vũ xuyên bá. Năm 1516, Mạc Đăng Dung được cử làm Trấn thủ Sơn Nam với chức Phó tướng tả đô đốc.

Trải qua 3 đời vua Lê, Mạc Đăng Dung được phong Thái sư Nhân quốc công rồi đến An hưng vương.

Lợi dụng lúc vua Lê Cung Hoàng ươn hèn, tháng 6 năm 1527, Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai đem quân về kinh đô ép vua nhường ngôi, lập lên triều Mạc.

Cũng như nhà Trần, tháng 12 năm 1529, Mạc Đăng Dung nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh làm vua, còn mình làm Thái thượng hoàng. Lúc đó Mạc Đăng Dung mới 46 tuổi. Mạc Đăng Dung mất tháng 8 năm Tân Sửu - 1541, thọ 59 tuổi.

2- Mạc Đăng Doanh (1530-1540)

Mạc Đăng Doanh là con trưởng của Mạc Đăng Dung. Tháng Giêng năm 1530 Mạc Đăng Doanh lên ngôi vua, đổi niên hiệu là Đại Chính, tôn cha làm Thái thượng hoàng.

Mạc Đăng Doanh làm cung điện nguy nga ở Cổ Trai để Thái thượng hoàng sống ở đó vui thú điền viên, nhưng ngụ ý là trấn giữ một vùng quan trọng làm ngoại viện cho Mạc Đăng Doanh và vẫn định đoạt những việc trọng đại của quốc gia.

Từ khi Mạc Đăng Doanh lên ngôi vua thì ở Thanh Hoá, cựu thần nhà Lê là Nguyễn Kim dựa vào rừng núi ở biên giới Việt - Lào lãnh đạo lực lượng trung hưng nhà Lê ngày càng lớn mạnh. Năm Quý Tỵ - 1533, các cựu thần nhà Lê lập Lê Duy Ninh lên làm vua gọi là Lê Trang Tông.

Dưới triều nhà Mạc, cứ 3 năm mở một kỳ thi Hội, thi Đình để tuyển chọn nhân tài. Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ trạng Nguyên dưới triều Mạc Đăng Doanh.

Ngày 15 tháng Giêng năm Canh Tý - 1540, Mạc Đăng Doanh chết, ở ngôi được 10 năm.

3- Mạc Phúc Hải (1541-1546)

Mạc Phúc Hải là con trưởng của Mạc Đăng Doanh, được ông nội là Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung lập làm vua vào năm Tân Sửu - 1541.

Thời Mạc Phúc Hải đã tiến hành chia cấp lộc điền, đặc biệt ưu tiên binh sĩ, vì lực lượng quân sĩ to lớn được nuôi dưỡng để chống lại nhà Lê trung hưng (Nam Triều).

Ngày 8 tháng 5 năm Bính Ngọ - 1546, Mạc Phúc Hải chết, ở ngôi vua được 5 năm. Con trưởng là Mạc Phúc Nguyên kế vị.

4- Mạc Phúc Nguyên (1546-1561)

Mạc Phúc Nguyên lên ngôi vua vào tháng 5 năm 1546, lúc đó còn nhỏ tuổi, mọi công việc triều chính đều do chú ruột là Khiêm vương Mạc Kính Điển quyết đoán cả.

Tháng 7/1557, Mạc Phúc Nguyên sai Mạc Kính Điển đem quân vào đánh Thanh Hoá. Quân Mạc thua to, Mạc Kính Điển phải nhảy xuống sông ẩn nấp suốt 3 ngày mới thoát chết.

Đến năm Kỷ Mùi - 1559, quân Lê - Trịnh mở cuộc tấn công vào hậu phương của nhà Mạc ở Sơn Tây, Tuyên Quang, Hưng Hoá, Kinh Bắc, Hải Dương... Mạc Phúc Nguyên phải rút vào phòng thủ ở ngoài thành Đông Đô.

Tháng 12/1561, giữa lúc cuộc chiến Lê - Mạc đang gay go quyết liệt nhất thì Mạc Phúc Nguyên chết vì bệnh đậu mùa. Mạc Phúc Nguyên làm vua được 15 năm.

5- Mạc Mậu Hợp (1562-1592)

Mạc Mậu Hợp là con cả của Mạc Phúc Nguyên, năm 1562 lên ngôi vua hãy còn bé, ứng vương Mạc Đăng Nhượng (con út Mạc Đăng Dung) làm Nhập nội phụ chính ẵm Mạc Mậu Hợp ra coi chầu, tôn ông chú là Khiêm vương Mạc Kính Điển làm Khiêm đại vương cùng trông coi việc triều chính.

Ngày 21 tháng 2 năm Mậu Dần - 1578, Mạc Mậu Hợp bị sét đánh ở trong cung, liệt nửa người, sau chữa thuốc lại khỏi, bèn đổi niên hiệu là Diên Khánh.

Tháng 10 năm Canh Thìn - 1580, Phụ chính Mạc Kính Điển, trụ cột của triều Mạc chết, ứng vương Mạc Đăng Nhượng giữ quyền phụ chính quyết định mọi việc nhưng lại thường về sống ở Dương Kinh vì vậy việc triều chính bê bối không ai quyết đoán.

Năm 1581, Mạc Mậu Hợp bị chứng thong manh, chữa mãi mới khỏi. Khỏi bệnh, Mạc Mậu Hợp lao vào ăn chơi truỵ lạc. Chính sự nhà Mạc ngày càng đổ nát, binh lực suy yếu, lòng người ly tán.

Ngày 25 tháng 11 năm 1592, thủy quân Lê - Trịnh gồm 300 chiến thuyền đánh vào các huyện Kim Thành, Thanh Hà, Nam Sách, Kinh Môn (tỉnh Hải Dương ngày nay). Quân Mạc tan vỡ, dư Đảng nhà Mạc xin hàng Trịnh Tùng rất đông. Mạc Mậu Hợp chạy trốn, bị bắt giải về kinh đô Đông Đô, bị treo sống 3 ngày rồi bị chém đầu ở bãi cát Bồ Đề. Mạc Mậu Hợp ở ngôi vua được 30 năm, khi chết 31 tuổi.

Con trai Mạc Mậu Hợp là Mạc Toàn chạy trốn, sau bị quân Trịnh bắt được đem chém đầu tại bến Thảo Tân.

Họ Mạc từ Mạc Đăng Dung đến Mạc Mậu Hợp truyền ngôi được 5 đời thì mất, tổng cộng được 65 năm.

Con cháu nhà Mạc theo lời dạy của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm rút lên Cao bằng, còn kéo dài được đến năm 1677 mới bị diệt hẳn:

Mạc Toàn (1592-1592)

Mạc Kính Chỉ (1592-1593)

Mạc Kính Cung (1593-1625)

Mạc Kính Khoan (1623-1625)

Mạc Kính Vũ (1638 - 1677)

Như vậy nhà Mạc tồn tại đúng 150 năm.




Cảm ơn bạn đã ghé thăm site của tôi! Bạn hãy để lại lời nhận xét (comment) của mình! Hoặc bạn cũng có thể đăng kí nhận bản tin RSS. Tôi hy vọng bạn thích site này của tôi và tìm được những thông tin bổ ích, và nếu có thể hãy thêm địa chỉ site này vào favorites của bạn để có thể ghé thăm lại. Cám ơn!



NHÀ LÊ SƠ (1428-1527): QUỐC HIỆU ĐẠI VIỆT, KINH ĐÔ ĐÔNG ĐÔ - PHẦN 2

Lê Thánh Tông tự là Tư Thành có tên huý là Hạo, con trai út của Lê Thái Tông và bà Ngô Thị Ngọc Giao - con gái Thái Bảo Ngô Từ. Lê Tư Thành sinh ra tại chùa Huy Văn - nay ở phía trong ngõ Văn Chương, phố Tôn Đức Thắng (Hàng Bột cũ), Hà Nội. Sống giữa chốn dân gian từ nhỏ đến năm lên 4 tuổi. Mẹ Nhân Tông khi đó đang buông rèm nghe chính sự, cho đón Tư Thành về ở trong cung rồi phong làm Bình Nguyên vương hằng ngày cùng vua Nhân Tông và các vương hầu khác học tập tại toà Kính Diên. Tư Thành chăm chỉ học tập, dáng dấp đoan chính, thông tuệ hơn người, được vua Nhân Tông rất yêu quý.


4. Lê Thánh Tông (Tư Thành,1460-1497)

Lê Thánh Tông tự là Tư Thành có tên huý là Hạo, con trai út của Lê Thái Tông và bà Ngô Thị Ngọc Giao - con gái Thái Bảo Ngô Từ. Lê Tư Thành sinh ra tại chùa Huy Văn - nay ở phía trong ngõ Văn Chương, phố Tôn Đức Thắng (Hàng Bột cũ), Hà Nội. Sống giữa chốn dân gian từ nhỏ đến năm lên 4 tuổi. Mẹ Nhân Tông khi đó đang buông rèm nghe chính sự, cho đón Tư Thành về ở trong cung rồi phong làm Bình Nguyên vương hằng ngày cùng vua Nhân Tông và các vương hầu khác học tập tại toà Kính Diên. Tư Thành chăm chỉ học tập, dáng dấp đoan chính, thông tuệ hơn người, được vua Nhân Tông rất yêu quý.

Lê Thánh Tông sinh ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất - 1442. Ngày 6 tháng 6 năm Canh Thìn - 1460, các quan đại thần phế truất Nghi Dân, rước Tư Thành - lúc đó 18 tuổi - lên ngôi vua.

Lê Thánh Tông hết lòng chăm lo việc nước: mở khoa thi, kén chọn hiền tài, khuyến khích sản xuất nông nghiệp, mở mang ngành nghề, mở rộng giao lưu buôn bán, ban hành chế độ quân điền, coi trọng việc bảo vệ biên giới quốc gia. Bản đồ biên giới quốc gia Đại Việt được hoàn thành dưới triều Lê Thánh Tông.

Bộ luật Hồng Đức nổi tiếng mang niên hiệu vua Lê Thánh Tông còn lại cho đến nay là một trong những bộ luật hoàn chỉnh và có nhiều điểm tiến bộ nhất dưới thời phong kiến nước ta.

Bộ Đại việt sử ký toàn thư do sử quan Ngô Sĩ Liên biên soạn năm Kỷ Hợi - 1479 dưới sự chỉ đạo của vua Lê Thánh Tông.

Lê Thánh Tông còn lập ra Hội Tao Đàn gồm 28 ông tiến sĩ giỏi văn thơ nhất nước thời đó gọi là "Tao Đàn nhị thập bát tú" do nhà vua làm nguyên suý.

Năm 1497, Lê Thánh Tông mất, ở ngôi 37 năm, thọ 56 tuổi, táng ở Chiêu Lăng.

5. Lê Hiến Tông (Lê Tăng,1498-1504)

Lê Hiến Tông có tên huý là Huy, con trưởng của Lê Thánh Tông, mẹ là Trường Lạc Thánh Từ Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Hằng, con gái thứ hai của Trình quốc công Đức Trung.

Hiến Tông sinh ngày 10 tháng 8 năm Tân Tỵ - 1461. Ông mất ngày 23 tháng 5 năm Giáp Tý - 1504, ở ngôi được 6 năm, thọ 44 tuổi.

6. Lê Túc Tông (Lê Thuần, 6/6/1504-7/12/1504)

Lê Túc Tông tên huý là Thuần, là con trai thứ 3 của Lê Hiến Tông, mẹ là Trang Thuận Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Hoàn, quê ở Bình Lăng, Thiên Thi, Hưng Yên.

Lê Túc Tông ham học hỏi, thân người hiền, vui điều thiện, đúng là một vị vua giỏi giữ nghiệp thái bình.

Lê Túc Tông lên ngôi vua ngày 6 tháng 6 năm 1504. Tháng 11 năm 1504 mắc bệnh nặng, biết không qua khỏi mới mời các quan triều thần đến để chỉ định người anh thứ 2 là Lê Tuấn lên ngôi vua. Ngày 7 tháng 12 năm 1504 vua Túc Tông mất, ở ngôi được 6 tháng, thọ 17 tuổi.

7. Lê Uy Mục (Lê Tuấn,1505-1509
)

Lê Uy Mục tên huý là Tuấn, sinh ngày 5 tháng 5 năm 1488, mẹ là Chiêu Nhân Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Cận, người làng Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn, Bắc Giang, lên ngôi vua ngày 22 tháng 1 năm 1505.

Lê Uy Mục từ khi lên ngôi vua ham rượu chè, gái đẹp, thích giết người, tin dùng người họ mẹ. Sự tàn bạo quá đáng của Lê Uy Mục đã gây bất bình trong dân chúng và triều thần.

Tháng 11 năm 1509, Giản Tu Công Oanh tự xưng là Cẩm Giang Vương ở Tây Đô (Thanh Hoá) đưa quân về chiếm Đông Kinh (Hà Nội) bắt được và bức Lê Uy Mục tự tử tháng 12/1509.

Lê Uy Mục ở ngôi được 4 năm, thọ 22 tuổi.

8. Lê Tương Dực (Lê Oanh, 1509-1516)

Lê Tương Dực tên huý là Oanh, là cháu nội của vua Lê Thánh Tông, con thứ hai của Kiến Vương Lê Tân và bà Huy từ Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Tuyên, người làng Thuỷ Chú, huyện Lôi Dương (tức Thọ Xuân, Thanh Hoá), sinh ngày 25 tháng 6 năm 1495.

Sau khi giết Lê Uy Mục, Oanh tự lập làm Vua.

Bản thân Lê Tương Dực cũng lao vào con đường ăn chơi truỵ lạc. Tháng 5/1514 nghe sàm tấu của Hiệu uý Hữu Vĩnh giết chết 15 Vương Công, cho gọi các cung nhân của triều trước vào cung để gian dâm.

Trịnh Duy Sản nhiều lần can ngăn, Vua không nghe, còn đem Sản ra đánh bằng trượng.

Tháng 4/1516, Trịnh Duy Sản sai đâm chết Tương Dực. Tương Dực ở ngôi được 7 năm, thọ 22 tuổi.

9. Lê Chiêu Tông (Lê Ý, 1516-1522)

Lê Chiêu Tông tên huý là ý, có tên nữa là Huệ, cháu bốn đời của Lê Thánh Tông, con trưởng của Cẩm Giang Vương Lê Sùng và bà Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Loan, người xã Phi Bạo, huyện Thanh Chương (Nghệ An).

Lê Chiêu Tông sinh ngày 4 tháng 10 năm Bính Dần - 1506.

Sau khi giết Tương Dực, Trịnh Duy Sản và Lê Nghĩa Chiêu đón Lê Ý về tôn làm vua Lê Chiêu Tông lúc đó mới 11 tuổi.

Dưới triều Lê Chiêu Tông, giặc giã nổi lên như ong, dân chúng khổ sở về cảnh loạn lạc, đầu rơi máu chảy.

Mạc Đăng Dung là một trong những người phò lập vua, bằng tài năng quân sự nổi bật đã khôn khéo thâu tóm quyền hành. Quyền uy của Mạc Đăng Dung ngày một lớn. Mạc Đăng Dung cho con gái nuôi vào hầu vua thực ra là để dò xét coi giữ, Mạc Đăng Doanh là con lớn của Mạc Đăng Dung làm chức Dục Mỹ hầu trông coi điện Kim Quang. Bố con Mạc Đăng Dung ngày càng có mưu đồ thoán đoạt.

Trước tình hình đó, Lê Chiêu Tông mưu ngầm với Trịnh Tuy tìm cách triệt hạ thế lực của họ Mạc. Mưu bị bại lộ, vua phải bỏ chạy khỏi kinh thành.

Mạc Đăng Dung đã cùng triều thần lập Lê Xuân, em của Lê Chiêu Tông lên làm vua vào ngày 1 tháng 8 năm Nhâm Ngọ - 1522. Lê Chiêu Tông bị giáng xuống làm Đà Dương Vương rồi bị bắt giết lúc đó mới 21 tuổi, được làm vua 6 năm.

10. Lê Cung Hoàng (Lê Xuân, 1522-1527)

Lê Cung Hoàng tên húy là Xuân được Mạc Đăng Dung lập lên làm vua khi 15 tuổi.

Lê Cung Hoàng sinh ngày 26 tháng 7 năm Đinh Mão - 1507. Năm 1524, Mạc Đăng Dung tự mình thăng tước Bình Chương quân quốc trọng sự Thái phó Nhân quốc công. Tháng 10 năm 1525, Mạc Đăng Dung tự làm Đô tướng dẫn tất cả thuỷ, lục quân vào đánh Thanh Hoá, bắt được vua Lê Chiêu Tông đem về kinh sư giam cầm và đến tháng 12/1526 thì đem giết chết.

Sau khi giết chết Lê Chiêu Tông, Mạc Đăng Dung rút quân về đóng ở Cổ Trai, nhưng vẫn chế ngự triều đình. Tháng 4/1527, Cung Hoàng sai Trung sứ Đỗ Hiếu Đế đến làng Cổ Trai tấn phong cho Đăng Dung làm An Hưng Vương.

Mặc dù được vua ân sủng hậu đãi và giao phó trọng trách, nhưng Mạc Đăng Dung vẫn kiên quyết chớp thời cơ giành ngôi hoàng đế về cho họ Mạc.

Ngày 15 tháng 6 năm Đinh Hợi - 1527, Mạc Đăng Dung đem quân từ Cổ Trai vào kinh đô Thăng Long ép vua phải nhường ngôi, bắt Vua và Thái hậu tự tử. Như vậy Lê Cung Hoàng ở ngôi được 5 năm, thọ 21 tuổi.

Kể từ Lê Thái Tổ lên ngôi năm 1428 đến Lê Cung Hoàng bị giết vào năm 1527, trải qua 10 đời Vua, cả thảy đúng 99 năm. Các nhà sử học gọi là triều Lê Sơ.




Cảm ơn bạn đã ghé thăm site của tôi! Bạn hãy để lại lời nhận xét (comment) của mình! Hoặc bạn cũng có thể đăng kí nhận bản tin RSS. Tôi hy vọng bạn thích site này của tôi và tìm được những thông tin bổ ích, và nếu có thể hãy thêm địa chỉ site này vào favorites của bạn để có thể ghé thăm lại. Cám ơn!