This is a free and fully standards compliant Blogger template created by Templates Block. You can use it for your personal and commercial projects without any restrictions. The only stipulation to the use of this free template is that the links appearing in the footer remain intact. Beyond that, simply enjoy and have fun with it!

19 May 2008

MÙA GIÓ CHƯỚNG

Chưa bao giờ đầu óc bị phân tâm như thời điểm này. Cuộc sống trở nên bề bộn của những chuyển đổi . Mới hơn một năm gia nhập WTO, vừa mới những ngày ngây ngất với những chỉ tiêu vượt trội, nay lần đầu tiên Quốc hội phải biểu quyết hạ thấp những chỉ tiêu phát triển kinh tế mới thông qua, ngón tay còn lưu cái cảm giác tê tê của lần ấn nút cách đây mới chừng nửa năm.

Những cơn rét đậm rét hại rồi đủ loại dịch bệnh bùng phát tứ tung; những con sông chết dần vì ô nhiễm, cả chục triệu tấn than lọt qua lỗ kim của trùng điệp các cơ quan quản lý, giá vàng thì lên giá đôla thì xuống, thanh khoản ngân hàng cạn kiệt, những nhà đầu tư chứng khoán thẫn thờ nhìn mũi tên đi xuống. Người dân đang chen lấn xếp hàng mong kiếm xuất được nộp tiền đặt cọc bao giờ nhận nhà cũng được, nay thì thị trường bất động sản đóng băng trở lại, nhiều công trình xây dựng ngưng trệ vì không đủ tiền bù đắp cho giá vật liệu thăng thiên. Giá giàu thô tăng cao nhưng không bù lại lượng dầu công nghiệp phải nhập trong khi nhà máy lọc dầu vẫn còn đang xây sau 8 năm nâng lên đặt xuống. Các tập đoàn kinh tế hoành tráng đang bươn chải trên nhiều thị trường để duy trì đồng vốn... Một đại gia bỏ một đống tiền mua máy bay riêng mà chưa biết khi nào được cấp phép cất cánh

Nửa đêm có đại gia từ phương Nam gọi điện thì thào hỏi: "Họp ở ngoài ấy có thấy gì không chứ còn người làm ăn thì lo lắm, như ngồi trên lửa đốt vậy?". Anh lái xe ôm hàng ngày vô tư nay cũng thanh minh khi nhận tiền của khách: "Bác thông cảm, không biết làm sao mà sống với giá cả này".

Một số quan chức bỗng "tẩu hoả nhập ma" không khảo mà xưng, vác tiền thiên hạ quà cáp nộp vào công quỹ khiến báo chí lại rộ lên cuộc tranh luận thế là đúng hay sai. Kẻ khen là dại, người chê là khùng. Quan chức mới được đề bạt bị báo chí đặt lên máy soi xem con virus của lỗi lầm 18 năm trước có còn hay không. Người kết là di căn, kẻ bênh là lành bệnh. Nhà lãnh đạo đổi ý thay người như anh trọng tài trên sân cỏ thổi còi cho thắng rồi lại thổi còi rằng không...

Mấy hôm nay dân chúng đang ngỡ ngàng nhìn một người từng là tội đồ hiên ngang từ chốn lao lung trở về lại rùng mình đón nhận tin hai nhà báo vào chốn lao lung bởi những lời khép tội bằng chính điều luật chống tham nhũng.

Ở Quốc hội đang sôi nổi bàn việc mở rộng Thủ đô mà xem ra nó giống một cuộc du canh (nhưng không du cư) vĩ đại hơn là một đề án khoa học liên quan đến quốc kế dân sinh vì nó đặt điều kiện tiên quyết là nhập tỉnh rồi mới xây dựng đồ án.
Bên các nước bạn hết bão ở bên phải lại động đất ở trên đầu, thống kê người chết đều có rất nhiều dãy số. Kỳ họp này, tôi gửi lời chất vấn đến người đứng đầu Chính phủ: "Đã bao giờ tính đến một kịch bản xấu nhất để ứng phó chưa?". Không biết sẽ nhận được hồi âm thế nào. Ngẫm lại mới hiểu rằng đây mới là khúc dạo đầu của một thời chuyển đổi.

Nhớ lại câu chuyện mới cách đây không đến 2 năm, lúc đang đứng trước ngưỡng cửa thời điểm gia nhập WTO, trong một lần "nghĩ ngợi cuối tuần" tôi đã viết và ví rằng sự kiện này đơn giản giống như lấy vợ mà thôi. Trước sau cũng lấy, xấu tốt tuỳ thuộc ở mình. Nay ngẫm lại mới thấy không đơn giản như thế.

Nước mình từ lúc khai thiên lập địa đã được ông Giời xếp cho một mảnh đất phải nói là rất đẹp. Riêng cái vịnh Hạ Long nằm kề bên cạnh đến nay thành di sản thiên nhiên của thế giới đang có cơ xếp vào "top 7" kỳ quan. Nhưng bù lại phải nằm cạnh bác láng giềng khổng lồ. Văn minh Trung Hoa phải xếp hàng đầu thiên hạ nhưng cái sức thôn tính thiên hạ thì cũng tương xứng với tầm mức của nền văn minh hàng đầu ấy. Để khỏi bị thôn tính, tổ tiên mình phải chọn một lối sống khác thường. Cái không bình thường ấy đôi khi lại làm nên những cái phi thường trong lịch sử, thường thể hiện trong việc đánh giặc giữ làng cũng là giữ nước. Thăm mấy bảo tàng của các nước có dính dáng đến chiến tranh ở Việt Nam đều hấy họ trưng ra cái mô hình địa đạo Củ Chi tựa nhà cao tầng xây trong lòng đất, hàm ý nói rằng làm sao thắng nổi cái dân tộc sẵn sàng chịu đựng gian khổ hy sinh đến chừng ấy.
Cái lối sống không bình thường ấy lại chọn cho mình một mô hình sống rất nên thơ bởi luỹ tre xanh bao quanh những giếng nước, sân đình, mái chùa và một nếp sông nền nếp đất lề quê thói. Trông vậy nhưng luỹ tre làng chẳng khác một pháo đài khi có biến từ bên ngoài, lại giống cái rèm mành che chắn được cả sự xâm nhập của thói tục ngoại lai cũng như giữ gìn cái chất chân quê của dân tộc.
Nhưng cái không bình thường hơn hết lại chính là sự thủ cựu gìn giữ cái trạng thái công hữu về tài sản trong làng xã mà cốt yếu là ruộng đất, tư liệu sản xuất hàng đầu của xã hội truyền thống. Chính sách quân điền trở thành tập quán mấy năm chia lại một lần với tinh thần "không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng", cái tư tưởng bình quân và câu khẩu hiệu lý tưởng "lấy của người giàu chia cho người nghèo" được coi là phương thức hành xử của công lý...
Tất cả được hỗ trợ bằng cả một kho tàng văn hoá dân gian mê hoặc từ thế hệ này qua thế hệ khác những chuẩn mực về đạo lý được gọi là truyền thống dân tộc.
Nhưng cái hệ quả quan trọng nhất lại không chỉ là thế. Cách sống ấy khiến cho trong xã hội Việt Nam không thể nảy nòi được những người sở hữu. Giàu không ba họ, khó không ba đời vừa là hy vọng của người nghèo vừa là định mệnh của người giàu, khiến xã hội ta khó lòng mà phát triển. Nhưng nhờ thế mà Việt Nam trường tồn bên cạnh đế chế Trung Hoa trong suốt trường kỳ của lịch sử. Và cũng và thế mà thuở trước Việt Nam như chỉ biết đến một thế giới duy nhất là: "Thế giới Trung Hoa".

Phải cho đến giữa thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX Việt Nam mới biết đến một thế giới "Ngoài Trung Hoa" và hơn một thế kỷ tiếp đó chính là quá trình chúng ta hội nhập với trước tiên với thế giới ngoài Trung Hoa được hiểu như thế giới phương Tây và sau đó gắn với công cuộc Đổi mới chính là với toàn thế giới mà việc gia nhập WTO chính là một cái mốc. Chúng ta bắt đầu buộc phải sống bình thường như thiên hạ. Và cái bình thường hấp dẫn nhất đồng thời cũng là khó khăn nhất chính là làm quen với tư cách của những người sở hữu, nền tảng của dân chủ và cũng là nguồn lực của kinh tế thị trường.
Cái đang diễn ra trong lòng xã hội ta trong quá trình Đổi mới, đặc biệt là đựơc thúc đẩy mạnh mẽ bởi việc gia nhập WTO chính là quá trình chuyển đổi sở hữu mà thuật ngữ một thời được gọi phổ quát là "thời kỳ tích luỹ tư bản chủ nghĩa" đang diễn ra. Trong thời kỳ này, mọi người đều trong cơn "khát sở hữu" nhưng vẫn giữ lại những tập tính và quán tính của những hệ thống giá trị đã cũ khiến cho mọi cái trong hành xử cũng như trong suy nghĩ đều chưa thể bình thường.
Tìm sự giải thích hiện tại bằng cách giải thích quá khứ một cách rối rắm như vậy chưa hẳn đã thuyết phục được ai. Nhưng bằng cách đó nó làm cho ta yên lòng trong cơn chuyển đổi, trong quá trình tự lột xác nên nhiều giá trị còn mơ hồ giữa một thời đầy rẫy những giá trị ảo và giả. Âu cũng là một viên thuốc an thần để tạm giải thích những điều chưa thể giải thích. Giống như đi biển trong mùa gió chướng phải lựa gió mà căng buồm.


Nhà sử học Dương Trung Quốc




Cảm ơn bạn đã ghé thăm site của tôi! Bạn hãy để lại lời nhận xét (comment) của mình! Hoặc bạn cũng có thể đăng kí nhận bản tin RSS. Tôi hy vọng bạn thích site này của tôi và tìm được những thông tin bổ ích, và nếu có thể hãy thêm địa chỉ site này vào favorites của bạn để có thể ghé thăm lại. Cám ơn!

0 comments:

Post a Comment