This is a free and fully standards compliant Blogger template created by Templates Block. You can use it for your personal and commercial projects without any restrictions. The only stipulation to the use of this free template is that the links appearing in the footer remain intact. Beyond that, simply enjoy and have fun with it!

31 January 2008

NHÀ TRẦN (1225 - 1400) - QUỐC HIỆU ĐẠI VIỆT - KINH ĐÔ THĂNG LONG - PHẦN 4

Triều đại nhà Trần lừng lẫy với 3 cuộc kháng chiến quân Nguyên Mông thắng lợi, dĩ nhiên là không thể thiếu những anh tài kiệt xuất. Rất nhiều những nhân vật lịch sử anh hùng mà tiếng tăm còn lưu danh tới muôn đời sau. Từ những chàng thiếu niên hào kiệt cho tới những cân quốc công thần, cả một dân tộc hừng hực khí thế chống ngoại xâm, biểu hiện qua từng hình tượng lịch sử cụ thể...

NHỮNG NHÂN VẬT LỊCH SỬ NỔI TIẾNG THỜI TRẦN


Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung

Trần Thị Dung là con gái Trần Lý, em gái của Trần Thừa và Trần Tự Khánh và là anh em họ với Trần Thủ Độ.

Thái Tử Sảm chạy loạn Quách Bốc về ở nhờ Hải ấp của ông Trần Lý, thấy Trần Thị Dung xinh đẹp xin lấy làm vợ vào năm 1209.

Anh em nhà Trần đã mộ quân lính dẹp loạn Quách Bốc đón vua Lý Cao Tông và Thái tử Sảm về Triều.

Cuối năm 1210, Thái tử Sảm lên ngôi hoàng đế là Lý Huệ Tông lập Trần Thị Dung làm nguyên phi, đến giữa năm 1216 được phong làm Hoàng hậu.

Trần Thị Dung cùng với Lý Huệ Tông sinh được hai công chúa: Thuận Thiên công chúa gả cho Trần Liễu và Chiêu Thánh công chúa (tức là Lý Chiêu Hoàng) lấy Trần Cảnh. Lý Huệ Tông đi tu rồi chết. Tháng 12/1225 Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Thái Tông.

Tháng 8/1226 nhà Trần đã gả Hoàng hậu triều Lý là Trần Thị Dung cho Thái sư Trần Thủ Độ.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ nhất, bà Trần Thị Dung đã có công chỉ huy hoàng tộc chủ động rút khỏi kinh đô Thăng Long, sau đó lại lo liệu thu nhặt sắt thép, động viên các hiệp thợ ngày đêm rèn đúc vũ khí để cung cấp cho quân Trần. Bà còn lo liệu cả lương thực, thực phẩm để cung cấp cho quân đội đánh giặc.

Sau chiến thắng ở Đông Bộ đầu vào tháng 1/1258, quân dân Đại Việt đuổi giặc Nguyên - Mông ra khỏi bờ cõi, giữ vững nền độc lập của Tổ quốc.

Với công lao to lớn của bà, nhà Vua đã sắc phong bà là Linh Từ Quốc Mẫu.

Thái sư Trần Thủ Độ

Trần Thủ Độ sinh năm Giáp Dần - 1194 ở làng Lưu Xá (Hưng Hà, Thái Bình) là cháu họ ông Trần Lý, được ông Trần Lý nuôi dạy từ nhỏ và coi như con. Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung rất yêu nhau, nhưng khi Thái tử Sảm lánh nạn về ở nhờ nhà ông Trần Lý thấy Trần Thị Dung xinh đẹp, xin cưới làm vợ, Trần Thủ Độ vì sự nghiệp gây dựng cơ đồ nhà Trần đã phải hy sinh mối tình đầu, để người yêu đi lấy Thái tử Sảm. Anh em nhà Trần đã mộ quân giúp triều Lý đánh dẹp các thế lực cát cứ, khôi phục lại cơ đồ nhà Lý.

Ông mặc dù ít học, nhưng là người mưu lược, quyết đoán, là người có công đầu xây dựng cơ nghiệp nhà Trần.

Cuối triều Lý, các vua ăn chơi sa đoạ, nhu nhược, kinh tế đất nước suy thoái, thiên tai mất mùa liên tiếp, đời sống của nhân dân vô cùng cực khổ, giặc dã nổi lên như ong. Ngoài biên ải, đế quốc Nguyên - Mông đã chiếm hầu hết châu Âu đến tận Hắc Hải và đang tung hoành đánh Kim, diệt Tây Hạ, chiếm Cao Ly, xâm chiếm nhà Tống, và sửa soạn xâm lược Đại Việt.

Trước tình hình nguy ngập đó, nếu cứ để triều đại nhà Lý yếu hèn như vậy, thì đất nước ta không thể tránh khỏi hoạ diệt vong.

Trần Thủ Độ đã ép vua Lý Huệ Tông nhường ngôi cho con gái 8 tuổi là Lý Chiêu Hoàng và cũng chính việc ông thu xếp cho Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh là hết sức khôn ngoan và hợp với quy luật hưng vong, làm một cuộc đảo chính cung đình để thay đổi triều đại mà không xẩy ra đổ máu, còn tạo cho đất nước bước vào thế ổn định, để xây dựng lực lượng về kinh tế cũng như quân sự, chuẩn bị đương đầu với những thử thách vô cùng to lớn và cực kỳ nguy hiểm trong tương lai, chứng tỏ Trần Thủ Độ là một nhà chính trị, nhà chiến lược có tầm nhìn xa thấy rộng.

Sau khi lên ngôi vua, Trần Thái Tông cho Trần Thủ Độ làm Thái sư nắm giữ mọi binh quyền. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã thu phục được thế lực đối địch, tổ chức lại bộ máy chính quyền từ trung ương đến cấp xã.

Ông là người trung thực, hết lòng vì việc nước, biết nghe lời nói thẳng. Bấy giờ có kẻ đàn hặc ông, vào gặp Thái Tông, khóc mà nói rằng: "Bệ hạ còn thơ ấu mà Trần Thủ Độ thì quyền át cả Vua, xã tắc rồi sẽ ra sao?"

Thái Tông lập tức đến dinh Trần Thủ Độ, đem theo cả người đàn hặc. Vua nói với Trần Thủ Độ:

"Trẫm biết Thượng phụ chỉ có tấm lòng son vì nước chứ không có bụng riêng nào. Vậy mà kẻ kia thấy ông nắm giữ mọi binh quyền, dám ngờ vực xằng bậy, tâu với Trẫm là Thượng phụ chuyên quyền có thể không hay cho xã tắc. Đó là lời nói có hại đến nghĩa vua tôi và tình cảm chú cháu giữa Thượng phụ và trẫm".

Trần Thủ Độ trầm ngâm suy nghĩ rồi tâu:

"Đúng như những lời hắn nói. Thật quả có chuyên quyền. Thế mới biết trăm người vâng dạ không bằng một người nói thẳng. Trong triều duy chỉ có người này ngay thẳng, bạo dạn, dám nói những điều người khác chỉ dám nghĩ. Một triều đại muốn thịnh trị là phải khuyến khích người nói thật".

Nói xong, xin phép vua lấy tiền lụa thưởng cho người ấy.

Linh Từ quốc mẫu có lần ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị quân hiệu ngăn lại, về dinh khóc bảo Trần Thủ Độ:

"Mụ này là vợ ông, mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế!"

Trần Thủ Độ sai người đi bắt, người quân hiệu ấy nghĩ rằng chắc là phải chết. Khi đến nơi, Trần Thủ Độ vặn hỏi trước mặt Linh Từ quốc mẫu. Người quân hiệu ấy cứ theo sự thực trả lời. Trần Thủ Độ nói: "Ngươi ở chức thấp mà giữ được luật pháp, ta còn trách gì nữa". Liền lấy vàng lụa thưởng rồi cho về.

Trần Thủ Độ có lần đi duyệt định số hộ khẩu, quốc mẫu xin riêng cho một người cháu làm câu đương (chức dịch thu thuế ở xã). Khi xét duyệt ở xã ấy, gọi đến tên đó, đương sự mừng rỡ chạy đến. Trần Thủ Độ bảo hắn:

"Ngươi vì có công chúa xin cho được làm câu đương, không thể ví như những câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác".

Người đó kêu van xin thôi, mãi mới được tha. Từ đó không ai dám đến xin vì việc riêng nữa.

Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ nhất, Trần Thủ Độ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Thế giặc rất mạnh, Vua phải bỏ kinh đô Thăng Long, lui quân về giữ sông Thiên Mạc (Mạn Trù, Hưng Yên). Vua ngự trên chiếc thuyền nhỏ đến thuyền Thái uý Trần Nhật Hiệu hỏi kế sách chống giặc. Nhật Hiệu cứ ngồi chứ không dậy nổi, chỉ lấy ngón tay chấm nước viết lên mạn thuyền hai chữ "Nhập Tống". Vua hỏi quân Tinh Cương (do Nhật Hiệu chỉ huy) ở đâu? Nhật Hiệu trả lời: "Không gọi được chúng đến".

Vua lập tức rời thuyền đến hỏi Thái sư Trần Thủ Độ. Ông khảng khái trả lời: "Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo!".

Vào lúc gay go nhất của cuộc kháng chiến, ngàn cân treo sợi tóc, câu trả lời đanh thép của Trần Thủ Độ đã giữ vững được tinh thần quyết chiến của quân dân Đại Việt. Ông thực sự trở thành linh hồn của cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ nhất và là người lãnh đạo cuộc phản công quyết liệt đánh vào Đông Bộ Đầu, buộc quân giặc phải rút chạy về nước, giữ vững được độc lập cho Tổ quốc.

Sử sách thời xưa thường chê Trần Thủ Độ là vô học, gian hùng như Tào Tháo, có công với triều Trần nhưng có tội với triều Lý như đã ép Lý Huệ Tông phải chết và giết chết các tôn tộc nhà Lý bằng cách bày mưu chôn sống họ, khi đang tế lễ ở nhà thờ họ Lý (Đông Ngàn, Bắc Ninh) - "Đại Việt sử ký toàn thư" tồn ghi là chưa chắc đã có thật.

Trần Thủ Độ mất tháng Giêng năm Giáp Tý - 1264, thọ 71 tuổi, được truy tặng Thượng phụ Thái sư Trung Vũ Đại Vương. Dân ta tưởng nhớ công lao của Trần Thủ Độ đã nhập đền thờ ở nhiều nơi.

Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn

Hơn bảy trăm năm trước, cả Á, Âu đang trong cơn kinh hoàng, khiếp đảm về cái hoạ Tác-ta (giặc Mông), khi chúng lướt trên vó ngựa viễn chinh tàn phá hết nước này sang nước khác. Từ Thái Bình Dương đến tận bên bờ Địa Trung Hải khắp Á, Âu chưa có một danh tướng nào cản được. Giáo hoàng La Mã sợ hãi đến nỗi "... tuỷ khô, thân gầy, sức kiệt". Người Đức hằng ngày cầu nguyện: "Xin chúa cứu vớt chúng con khỏi cơn thịnh nộ Tác-ta!" Vó ngựa của chúng tới đâu cỏ cây đều không mọc được. Vậy mà ở miền đông nam Châu Á lũ giặc Tác-ta ấy đã phải kinh hồn, lạc phách trước ý chí chiến đấu và tài nghệ quân sự tuyệt vời của quân dân Đại Việt dưới sự chỉ đạo thiên tài của Quốc công tiết chế, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

Công lao to lớn của người, ba lần tổng chỉ huy quân dân Đại Việt cản phá quân Nguyên - Mông hung bạo, đánh cho chúng thất điên bát đảo. Trấn nam vương Thoát Hoan phải chui vào ống đồng có người kéo qua biên ải mới thoát chết.

Với tài thao lược, trí dũng song toàn, luôn đặt lợi ích dân tộc và đất nước lên trên hết, Trần Hưng Đạo không chỉ sống mãi trong lòng mọi người dân đất Việt mà còn vang danh khắp năm châu bốn biển. Trần Quốc Tuấn (1228-1300) là một anh hùng kiệt xuất của dân tộc ta đồng thời là danh nhân quân sự cổ kim của thế giới. Ông sinh ngày 10/12/1228 (Mậu Tý) là con An Sinh vương Trần Liễu (anh ruột Trần Thái Tông - Trần Cảnh). Là người có dung mạo hùng vĩ, thông minh hơn người, xem rộng biết nhiều, đủ tài văn võ, chuyên tâm nghiên cứu lục thao tam lược của người xưa và dành cả tâm huyết và hiểu biết của mình để viết: Binh thư yếu lược, Vạn kiếp tông bí truyền thư, Hịch tướng sĩ để dạy các tướng cầm quân đánh giặc, khích lệ lòng yêu nước của quân dân Đại Việt.

Người luôn luôn đặt lợi ích của dân tộc, của đất nước trên thù nhà, luôn luôn vun trồng cho khối đoàn kết giữa tôn tộc nhà Trần, để tạo cho thế nước ở đỉnh cao muôn trượng, đủ sức đè bẹp quân thù nguy hiểm.

Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai, thấy rõ nếu để ngành trưởng và ngành thứ xích mích nghi kỵ nhau thì chỉ có lợi cho kẻ thù, người đã chủ động giao lưu hoà hiếu với Thái sư Trần Quang Khải, tạo nên sự đoàn kết nhất trí trong vương triều Trần, bảo đảm đánh thắng quân thù.

Chuyện kể rằng, một hôm Hưng Đạo Vương ở bến Bình Than sai người mời Trần Quang Khải sang thuyền mình trò chuyện, chơi cờ rồi sai người nấu nước thơm tự mình cùng tắm rửa với Trần Quang Khải, từ đó vĩnh viễn xoá bỏ hiềm khích giữa hai chi họ Quốc Tuấn là con Trần Liễu ngành trưởng, Quang Khải con Trần Cảnh ngành thứ.

Lần khác, người đem chuyện xích mích cũ ra dò ý các con.

Con cả Quốc Hiến nói rằng: "Dẫu họ khác cũng còn không nên, huống chi là cùng một họ!" Người cho là phải.

Hôm khác, người lại hỏi người con thứ là Quốc Tảng. Quốc Tảng thưa rằng:

"Tống Thái Tổ vốn là một ông lão làm ruộng, đã thừa cơ dấy vận nên có được thiên hạ".

Người nổi giận, rút gươm kể tội:

"Tên loạn thần là do đứa con bất hiếu mà ra!" Rồi định giết Quốc Tảng. Quốc Hiến vội chạy đến xin tha tội cho em, người mới tha và dặn Quốc Hiến:

"Sau khi ta chết, đậy nắp quan tài vào đã rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng!"

Cả ba lần chống giặc Nguyên - Mông, các vua Trần đều giao cho ông quyền Quốc công tiết chế (tức là Tổng tư lệnh quân đội) vì ông biết dùng người tài, thương yêu binh lính, nên tướng sĩ ai cũng hết lòng tin yêu ông. Đội quân phụ tử ấy đã thành đội quân bách chiến bách thắng.

Đầu năm 1285, quân Nguyên ào ạt tiến quân vào xâm lược nước ta, để bảo toàn lực lượng, Hưng Đạo Đại vương đã ra lệnh cho quân và dân làm "vườn không, nhà trống" rồi rời khỏi kinh đô Thăng Long. Thấy thế giặc quá mạnh. Bọn Văn Nghĩa hầu Trần Tú Viên, Văn Chiêu hầu Trần Lộng, Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc đem cả gia quyến sang hàng giặc. Trước tình hình gay cấn đó, Trần Nhân Tông triệu Trần Hưng Đạo đến và nói: "Kẻ thù rất mạnh, ta e rằng chiến tranh kéo dài sẽ làm đất nước tổn hại, hay là ta đầu hàng để cứu dân". Trần Hưng Đạo trả lời: "Nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước đã!" Bởi lẽ, một người rất tự tin như Trần Hưng Đạo đã nắm chắc phần thắng trong tay.

Mùa hè đến, quân Nguyên vừa mệt mỏi, vừa thiếu đói lại thêm dịch bệnh ốm đau, tinh thần thêm hoảng loạn. Trong khi đó quân đội Đại Việt vẫn bảo tồn được lực lượng lại tăng thêm sĩ khí, chứng minh phép "dĩ đoản, chế trường" của Hưng Đạo Vương thêm màu nhiệm.

Tháng 5/1285, sau khi đẩy quân Nguyên - Mông vào thế trận đã bầy sẵn với toàn bộ sự nguy khốn mà chúng đang bị sa lầy, Trần Hưng Đạo mở cuộc phản công dữ dội toàn bộ hệ thống đồn trại trên sông Hồng, đích thân người chỉ huy trận đánh lấy lại kinh đô Thăng Long, với những chiến thắng lẫy lừng ở Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết.... chỉ sau gần hai tháng phản công mãnh liệt, hơn nửa triệu quân xâm lược bị đuổi khỏi nước ta. Toa Đô bị chém đầu tại trận, chủ tướng Thoát Hoan phải chui vào ống đồng mới thoát chết.

Mấy tháng trước khi Hưng Đạo Vương mất, vua Anh Tông đến thăm và hỏi:

- Nếu chẳng may Quốc công mất, giặc phương bắc lại sang xâm lược thì kế sách giữ nước làm sao?

Người đã trăng trối những lời tâm huyết, sâu sắc, đúng cho muôn đời:

- Thời bình phải khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ, đó là thượng sách giữ nước.

Mùa thu tháng Tám, ngày 20 năm Canh Tý - 1300 "Bình Bắc đại nguyên soái" Hưng Đạo Đại Vương qua đời. Theo lời người dặn, thi hài người được hoả táng thu vào bình đồng và chôn trong vườn An Lạc, gần cánh rừng An Sinh, không xây lăng mộ, đất san phẳng, trồng cây như cũ. Vua truy tặng Thái sư Thượng phụ quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương.


(Xem tiếp kỳ sau)




Cảm ơn bạn đã ghé thăm site của tôi! Bạn hãy để lại lời nhận xét (comment) của mình! Hoặc bạn cũng có thể đăng kí nhận bản tin RSS. Tôi hy vọng bạn thích site này của tôi và tìm được những thông tin bổ ích, và nếu có thể hãy thêm địa chỉ site này vào favorites của bạn để có thể ghé thăm lại. Cám ơn!



0 comments:

Post a Comment